Chiến lược và học thuyết Thiết_giáp_hạm

Học thuyết

Thiết giáp hạm là sự biểu hiện của sức mạnh hải quân. Đối với Alfred Thayer Mahan và những người theo học thuết của ông, một lực lượng hải quân mạnh là cần thiết cho sự thành công của một quốc gia, và việc kiểm soát vùng biển cũng cần thiết cho sự triển khai lực lượng trên bộ và ở nước ngoài. Học thuyết của Mahan cho rằng vai trò của thiết giáp hạm là quét sạch đối phương khỏi mặt biển.[77] Trong khi các nhiệm vụ hộ tống, phong tỏa hay cướp tàu buôn có thể do các tàu tuần dương hay tàu nhỏ hơn đảm trách, sự hiện diện của thiết giáp hạm là một mối đe dọa tiềm tàng cho mọi đoàn tàu vận tải được hộ tống bởi bất kỳ tàu chiến nào khác hơn là tàu chiến chủ lực; điều này được biết đến như là khái niệm "Hạm đội hiện hữu". Mahan còn tiếp tục triển khai tư tưởng của ông khi nói rằng chiến thắng chỉ có thể đạt đến qua sự đối đầu giữa các thiết giáp hạm,[78] điều sẽ được hiểu đến như là học thuyết "trận chiến quyết định" của Hải quân Đế quốc Nhật Bản và một số nước khác, trong khi lý thuyết về trận chiến trên đường (en:guerre de course) được phát triển bởi trường phái Jeune École không thể nào thành công.

Ý tưởng của Mahan đã có ảnh hưởng lớn đến giới chính trị và hải quân trong suốt thời đại của thiết giáp hạm,[1][79] tìm kiếm một hạm đội lớn bao gồm những thiết giáp hạm mạnh nhất có thể. Công trình của Mahan được phát triển vào cuối những năm 1880, và cho đến cuối những năm 1890 nó đã có một ảnh hưởng mạnh mẽ khắp thế giới,[1] mà cuối cùng được hải quân nhiều nước, mà đáng kể nhất là Anh, Mỹ, ĐứcNhật áp dụng. Sức mạnh của quan điểm Mahan ảnh hưởng quan trọng đến cuộc chạy đua vũ trang đóng thiết giáp hạm cũng như sự thỏa thuận giữa các cường quốc trong việc hạn chế số lượng thiết giáp hạm trong những năm giữa hai cuộc thế chiến.

Một khái niệm có liên quan là "Hạm đội Hiện hữu": ý tưởng về một hạm đội các thiết giáp hạm chỉ đơn giản bằng sự có mặt đã có thể giữ chân các nguồn lực đối phương lớn lao. Điều này đến lượt nó được tin là sẽ có thể đánh đổ cán cân lực lượng trong một cuộc xung đột ngay cả khi không có một trận chiến quyết định. Nó thậm chí gợi ý cho hải quân các nước nhỏ rằng một hạm đội thiết giáp hạm có thể có một ảnh hưởng chiến lược quan trọng.[80]

Chiến thuật

Trong khi vai trò của thiết giáp hạm trong cả hai cuộc thế chiến đều phản ảnh học thuyết của Mahan, chi tiết của việc bố trí thiết giáp hạm phức tạp hơn nhiều. Không giống như tàu chiến tuyến, thiết giáp hạm vào cuối Thế kỷ XIX và đầu Thế kỷ XX mong manh đáng kể đối với ngư lôi và mìn, những vũ khí có thể được sử dụng bởi những tàu chiến tương đối nhỏ và không đắt tiền. Trường phái Jeune École trong những năm 18701880 đề nghị bố trí tàu phóng lôi theo cùng với thiết giáp hạm; những con tàu này sẽ nấp phía sau các thiết giáp hạm cho đến khi khói đạn pháo che khuất tầm nhìn đủ cho chúng có thể phóng ra và bắn các quả ngư lôi.[1] Trong khi khái niệm này bị sự phát triển của thuốc phóng không khói làm hỏng đi, mối đe dọa từ những tàu phóng lôi có khả năng hơn (sau đó bao gồm cả tàu ngầm) vẫn còn đó. Vào những năm 1890, Hải quân Hoàng gia đã phát triển những tàu khu trục đầu tiên, những tàu chiến nhỏ được thiết kế để ngăn chặn và đánh đuổi mọi tàu phóng lôi đến tấn công. Trong Chiến tranh thế giới thứ nhất và sau đó, thiết giáp hạm hiếm khi được bố trí mà không có một hàng rào tàu khu trục bảo vệ.

Học thuyết về thiết giáp hạm nhấn mạnh đến sự tập trung lực lượng. Để lực lượng được tập trung này có thể giáng sức mạnh xuống một đối thủ bất hạnh (hay tránh đối đầu với một hạm đội đối phương mạnh hơn), hạm đội thiết giáp hạm cần một số phương tiện để phát hiện tàu đối phương bên kia tầm nhìn đường chân trời. Điều này được đáp ứng bởi các lực lượng tuần tiễu; ở những mức độ khác nhau tàu chiến-tuần dương, tàu tuần dương, tàu khu trục, khí cầu, tàu ngầm và máy bay đều được sử dụng. Cùng với việc phát triển vô tuyến, các bộ định hướng và phân tích lưu thông hàng hải cũng có thể cung cấp thông tin hữu ích, do đó khi nói rộng ra, thậm chí các trạm phát trên bờ có thể tham gia các đội thiết giáp hạm chiến đấu.[81] Nên trong hầu hết thời gian trong lịch sử hiện diện, hoạt động của thiết giáp hạm được bao bọc bởi những hải đội tàu khu trục và tàu tuần dương. Chiến dịch Bắc Hải trong Đệ Nhất thế chiến đã từng minh họa, cho dù có sự hỗ trợ này, mối đe dọa của mìn và các cuộc tấn công bằng ngư lôi, cộng với thất bại không tích hợp hay đánh giá đúng tiềm năng của các kỹ thuật mới,[82] đã hạn chế nghiệm trọng đến hoạt động của Hạm đội Grand Hải quân Hoàng gia, hạm đội thiết giáp hạm lớn nhất vào thời đó.

Chiến lược và ảnh hưởng ngoại giao

Trong cuối thế kỷ XIX và nửa đầu thế kỷ XX, thiết giáp hạm là tàu chiến chủ lực của các quốc gia có tiềm năng phát triển hải quân. Sự hiện diện của thiết giáp hạm có một ảnh hưởng tâm lý và ngoại giao to lớn đến nỗi nhiều nước lớn đã có hẳn một chính sách ngoại giao dựa vào thiết giáp hạm: Chính sách ngoại giao pháo hạm. Giống như việc sở hữu vũ khí nguyên tử ngày nay, việc sở hữu thiết giáp hạm nâng cao sự thể hiện sức mạnh của quốc gia trong các cuộc chiến tranh thế giới thứ nhất và thứ hai.[1]

Ngay cả trong thời kỳ Chiến tranh Lạnh, ảnh hưởng tâm lý của một thiết giáp hạm vẫn còn rất đáng kể. Năm 1946, USS Missouri được tách ra để đưa di hài của Đại sứ Thổ Nhĩ Kỳ về nước, và sự hiện diện của nó tại vùng biển Thổ Nhĩ Kỳ và Hy Lạp đã ngăn chặn một đòn tấn công của Liên Xô có thể nhắm vào vùng Balkan.[83] Vào tháng 9 năm 1983, khi lực lượng vũ trang người Druze tại vùng núi Shouf của Liban nổ súng vào lực lượng Thủy quân Lục chiến Mỹ gìn giữ hòa bình, sự có mặt của USS New Jersey đã làm im tiếng súng; và hỏa lực của New Jersey sau đó đã giết chết những người lãnh đạo của lực lượng vũ trang này.[84]

Từ sau Chiến tranh thế giới thứ hai, vai trò chủ lực của thiết giáp hạm đã dần dần nhường chỗ cho các tàu sân bay. Đến giữa những năm 1970, một số tàu chiến hạng nặng thế hệ mới đã giảm bớt số lượng hải pháo và thay vào đó là các giàn tên lửa đạn đạo tầm ngắn và tầm trung cùng các tên lửa hành trình. Đến cuối thế kỷ XX, đầu thế kỷ XXI, hầu hết các chiến hạm chỉ được trang bị tên lửa đạn đạo và tên lửa hành trình thay cho hải pháo. Một số chiếc đã được trang bị hệ thống "tàng hình" đối phó lại radar và máy dò thủy âm sonar của đối phương.

Giá trị

Thiết giáp hạm là tàu chiến lớn và phức tạp nhất, và do đó là tàu chiến đắt tiền nhất vào thời của nó; kết quả là giá trị của việc đầu tư vào thiết giáp hạm luôn luôn bị tranh cãi. Như nhà hoạt động chính trị Pháp Etienne Lamy từng viết vào năm 1879: "Việc đóng thiết giáp hạm quá tốn kém, hiệu quả của chúng lại không chắc chắn và chỉ trong một thời gian ngắn, nên việc tổ chức một hạm đội bọc thép xem ra chỉ mang lại thất bại cho sự kiên nhẫn của một dân tộc".[85] Trong những năm 18701880, Jeune École đã tìm kiếm những giải pháp thay thế cho chi phí lớn lao và công dụng bị tranh luận của một hạm đội thiết giáp hạm thông thường. Họ đề nghị cái mà ngày nay được gọi là chiến lược từ bỏ mặt biển, dựa trên các tàu tuần dương tốc độ cao có tầm hoạt động xa để đánh phá tàu buôn và các hải đội tàu phóng lôi để tấn công tàu chiến đối phương muốn mưu toan phong tỏa các cảng Pháp. Những tư tưởng của Jeune École đều đi trước thời đại của họ; mãi đến thế kỷ XX mới có được những phương tiện như mìn, ngư lôi, tàu ngầm và máy bay có hiệu quả cho phép những ý tưởng tương tự có thể được áp dụng.[86]

Quyết định của các cường quốc như Đế quốc Đức cho đóng một hạm đội thiết giáp hạm để đối đầu với những đối thủ mạnh hơn từng bị các sử gia chỉ trích, khi họ nhấn mạnh đến việc đầu tư vô ích vào hạm đội thiết giáp hạm vốn không có cơ hội bắt kịp đối thủ trong một trận chiến thực sự.[1] Căn cứ vào quan điểm này, những dự định của hải quân một nước yếu hơn muốn cạnh tranh trực tiếp với một nước mạnh hơn trong việc chế tạo thiết giáp hạm đơn thuần chỉ làm lãng phí nguồn lực vốn có thể được đầu tư tốt hơn cho việc tấn công vào những điểm yếu của đối phương. Như trong trường hợp của Đức, việc Anh phải phụ thuộc rất lớn vào việc nhập khẩu lương thực và nguyên liệu thô có thể là một điểm yếu khá nghiêm trọng, và Đức có thể chấp nhận những hệ lụy chính trị để tiến hành một cuộc chiến tranh tàu ngầm không hạn chế nhắm vào các tàu buôn thương mại. Mặc dù cuộc tấn công của U-boat trong những năm 19171918 cuối cùng thất bại, nó cũng thành công trong việc gây ra những tổn thất vật chất to lớn, và buộc Đồng Minh phải chuyển hướng một phần lớn nguồn lực vào cuộc chiến tranh chống tàu ngầm. Thành công này, cho dù cuối cùng không phải là quyết định, dù sao vẫn tương phản rõ rệt so với sự bất lực của hạm đội thiết giáp hạm Đức trong việc thách thức sự thống trị của hạm đội Anh mạnh hơn nhiều.

Liên quan

Tài liệu tham khảo

WikiPedia: Thiết_giáp_hạm http://www.airforce-magazine.com/MagazineArchive/P... http://www.chuckhawks.com/super_battleships_projec... http://www.combinedfleet.com/b_fire.htm http://www.combinedfleet.com/baddest.htm http://www.global-defence.com/1997/DefencePower.ht... http://vdict.com/battleship,1,0,0.html http://www.congress.gov/cgi-bin/cpquery/?sel=DOC&&... http://www.gpoaccess.gov/serialset/creports/pdf/hr... http://archive.is/20120710113839/findarticles.com/... http://www.chinfo.navy.mil/navpalib/ships/battlesh...